Các sự cố thường gặp trên hệ thống đánh lửa điện tử ô tô
Là bộ phận quan trọng của động cơ, hệ thống đánh lửa điện tử cùng với các hệ thống khác liên kết với nhau để giúp cho khả năng hoạt động của xe một cách ổn định nhất. Vậy hệ thống đánh lửa điện tử có vai trò như thế nào và chúng thường gặp phải những vấn đề gì trong quá trình hoạt động? Mời độc giả cùng theo dõi bài viết dưới đây để có được những kinh nghiệm hữu ích cho mình nhé.
1. Vai trò của hệ thống đánh lửa điện tử trên ô tô
Trước khi đi vào tìm hiểu các sự cố thường gặp ở hệ thống đánh lửa điện tử trên ô tô, chúng ta cùng xem vai trò của bộ phận này là gì nhé.
Hệ thống đánh lửa điện tử có vai trò vô cùng quan trọng đối với động cơ, chúng có hai nhiệm vụ chính là tạo dòng điện đủ mạnh trên 20.000V để dễ dàng phóng qua khe hở đánh lửa bugi và đốt cháy hỗn hợp khí cũng như nhiên liệu. Ngoài ra nhiệm vụ quan trọng thứ hai là phải đánh lửa đúng thời điểm động cơ cần để đốt cháy hòa khí một cách tối ưu, sản sinh công suất lớn nhất và giảm ô nhiễm môi trường.
Một số bộ phận của hệ thống đánh lửa điện tử
Hệ thống đánh lửa điện tử có cấu tạo bao gồm các bộ phận sau: mạch sơ cấp và mạch thứ cấp. Mạch sơ cấp lấy nguồn điện từ ắc quy khoảng 12 – 14,2V có chức năng cung cấp tín hiệu đến bô bin đánh lửa. Bô phận đánh lửa có vai trò giống như một máy biến thế, nó chuyển dòng điện thấp áp từ ắc quy thành dòng cao áp ước tính lên đến hơn 20.000V. Còn mạch thứ cấp nhận nguồn cao áp từ bô bin đánh lửa và truyền đến bugi thông qua các dây phin cao áp.
Sơ đồ hệ thống đánh lửa điện tử trên ô tô
2. Một số sự cố thường gặp ở hệ thống đánh lửa điện tử
Trục trặc biến áp
Biến áp ở hệ thống đánh lửa điện tử có vai trò như một máy biến thế vậy, các sự cố thường gặp của biến áp là chập mạch các vòng dây dẫn đến cháy biến áp, cháy nắp biến áp, cháy điện trở phụ, tác động cơ học làm bể, nứt nắp biến áp.
Hư hỏng biến áp là sự cố thường gặp ở hệ thống đánh lửa điện tử
Hỏng hóc ở bugi
Bugi là một trong những bộ phận hỗ trợ hệ thống đánh lửa điện tử có chức năng tạo hiệu suất làm việc hết khả năng cho động cơ. Khi vận hành lâu ngày bugi có thể gặp một số trục trặc do thời gian sử dụng lâu hoặc ảnh hưởng từ hệ thống đánh lửa hay các hệ thống khác.
Bể đầu sứ bugi, bugi bị mòn điện cực, bugi bị chảy điện cực, bugi đánh lửa không đúng tâm, bugi bị bám muội than làm giảm khả năng đánh lửa là những sự cố thường xảy ra ở bugi ... Khi bugi có dấu hiệu hư hỏng cần kịp thời thay thế và kiểm tra lại hoạt động của các bộ phận trong hệ thống đánh lửa để kịp thời sửa chữa và thay thế.
Hình ảnh buji ô tô bị bám muội đen
Hư hỏng bộ chia điện
Được coi là bộ phận quan trọng của hệ thống đánh lửa, bộ chia điện có chức năng giúp phân chia dòng điện cao áp đến đúng vị trí làm việc của động cơ vào đúng thời điểm cần thiết một cách chính xác. Thế nên khi gặp sự cố bộ chia điện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của hệ thống đánh lửa và động cơ. Khi hoạt động quá lâu bộ chia điện cũng mài mòn và có thể gặp một số vấn đề: Nứt, bể nắp delco do tác động vật lý làm rò rỉ điện áp dẫn đến đánh lửa yếu.
Vị trí ở giữa má tĩnh và má động không chuẩn làm giảm khả năng đánh lửa, bộ điều chỉnh đánh lửa áp thấp bị hở màng làm đánh lửa không đúng thời điểm, lò xo ở bộ điều chỉnh đánh lửa sớm ly tâm yếu, rotor tín hiệu mòn nên đánh lửa chập chờn, sai thời điểm đánh lửa.
Bộ phận chia điện ở hệ thống đánh lửa trên ô tô
Trên đây là những thông tin cơ bản về hệ thống đánh lửa điện tử trên ô tô. Hệ thống đánh lửa của các dòng xe ô tô hiện đại có rất nhiều điều lí thú và đáng quan tâm. Nếu bạn là người đam mê về xe hơi, hãy thường xuyên cập nhật những thông tin về các hệ thống mới trên xe ô tô của chúng tôi nhé.